Một bài cũ của tôi từng viết, nay xin phép đăng lên Ngọc Trong Đá ở mục Nhạc
Nay, thất nghiệp, tôi chán quá nên ra quán bia cũ ngồi chè chén. Chợt lật lại mấy bài viết nháp trên một nền tảng viết lách với tiêu đề là Đạt và những bài hát cũ. Khi đó tôi mới nhớ rằng đợt đó tôi đang viết dỡ hai bài viết là "Đạt và những bài nhạc cũ" và "Một Acy rất khác bên ngoài những cuộc diss". Điểm chung thứ nhất là đều nói về những rapper của G Family. Điểm còn lại là hai bài đều mãi không viết xong. Nay có tí hứng và sẵn một người bạn của hồi sinh lại một trang web về âm nhạc làm tôi mở máy ra gõ lốc cốc bài này. Đây không phải là một bài phân tích hay đánh giá gì, chỉ là một bài kể chuyện luyên thuyên thôi.
Tôi lấy tiêu đề là "Chú ba và Sài Gòn những ngày xưa cũ". Bởi lẻ tôi sẽ chỉ nói về Chú ba ngày xưa, từ trước cái thời của Âm Nhạc Thống Trị. Đương nhiên, nhạc anh Đạt giờ vẫn hay, chỉnh chu và không cần nhiều lời bàn cãi về chất lượng. Nhưng thật lòng luôn là tôi gần như không mấy mặn mà những bài nhạc sau này, có lẻ do thời điểm tôi nghe những bài nhạc của Datmaniac là những ngày tôi mới đặt chân lên Sài Gòn và đó cũng là thời kỳ mà nhạc rap vẫn còn ở cái hình thái mà tôi mê nhất. Nên tôi gần như dừng lại ở đó và đến giờ vẫn nghe nhạc của chú ba mỗi lúc tối thui bên cái loa nho nhỏ trong phòng. Những bài tôi hay nghe là Gam Màu Độc Lập, Cơ Chế Suy Đồi, Nhạc Trưởng, Hoàng Hôn, Ở Lại Đây Với Con, Ngày Đẹp Cuối Cùng, Sleep (cùng với Acy)... Tôi vẫn nhớ bài đầu tiên tôi nghe của anh là Gam Màu Độc Lập, tôi đã phải giật tôi khi nhìn vào lời bài hát và nghĩ thầm "gì toàn vần ba thế?". Để nói cho dễ hiểu thì thời đó là cái thời mà vần đôi là một gì đó chuẩn mực, vần đôi thượng đẳng! Nên người nghe hay có thói quen là khi đọc lời nhạc thường chỉ tập trung vào những chử cuối mỗi câu. Và đương nhiên, chú ba làm tôi sửng sốt với mớ vần đưa ra và một cái beat hay thêm một cái đoạn melody quá đẹp. Tất cả đã đủ để tôi có thêm động lực lên Google mà mày mò về Datmaniac. Dù thật lòng tôi cũng chả có mấy thiện cảm với những rapper đến từ G-Family hay là Godz vì thời trẻ trâu mà, tôi thích SSR và chẳng ưa gì phe đối lập. Tương tự như trong thời trang hoặc thể thao ấy mà. Nhưng mà càng tìm hiểu thì ngoài mấy bài diss như kiểu Im Đi Ig thì tôi thật sự bị chìm trong những bài về cuộc sống như Nhạc Trưởng, Cơ Chế Suy Đồi... Đương nhiên thì vẫn là bị gục do vần ba và melody quá đỉnh. Còn lời bài hát và ý nghĩa thì thật sự tôi thấy nó vô nghĩa và hỗn tạp vô cùng (xin lỗi chú ba). Nên phần nào tôi hiểu được ý của ICD khi gọi lời nhạc của Datmaniac là sáo rỗng. Đúng thật là nghe xong thì tôi chẳng có động lại gì trong đầu ngoài một mớ hỗn độn những vần và hình ảnh. Nhưng do vần nhiều và melody hay nên tôi cứ nghe lấy nghe để. Tôi vẫn nhớ đoạn "Đời người không có lần thứ hai, buồn phiền qua hết rồi như ai, người bạn ta có đến trăm năm... cười đời".
Đương nhiên mọi việc sẽ chẳng có gì đáng nhắc nhớ khi mà không có sự kiện quan trọng bậc nhất đời tôi. Tôi lên Sài Gòn. Những ngày đầu ở nơi hoa lệ này, chỉ có vài thứ làm bạn với tôi và nhạc của chú ba là một trong những điều đó. Để rồi hai tháng, nửa năm, năm tròn rồi ba năm tốt nghiệp. Tôi lại nghe những bài đó của anh Đạt. Đi làm năm đầu gian khổ, tôi nghe nhạc của anh Đạt. Chia tay người yêu, tôi nghe nhạc của and Đạt... Để rồi sau này tôi mới thấy cái "sáo rỗng" đó nó đẹp như thế nào. Những Gam Màu Độc Lập, Nhạc Trưởng và Cơ Chế Suy Đồi... Chúng đẹp đến vô cùng, đến mức sau này tôi từng có nghĩ suy nghĩ khi nghe được lời rap của ICD rằng "Ừ thì cậu ta không sai nhưng biết đâu khi sống ở Sài Gòn thời gian cậu ta sẽ thay đổi suy nghĩ". Gam Màu Độc Lập cho tôi thấy những câu chuyện, những hình ảnh mà trong đó tôi được trãi nghiệm chút ít nơi đô thành này, Nhạc Trưởng lại cho tôi thấy vẻ đẹp của nghệ thuật và của người nghệ sĩ, họ hiện lên thật đẹp và đáng trân trọng biết bao. Cơ Chế Suy Đồi thì lại phác họa lên những nét vẽ có phần buồn bã về thực tại nhưng là một cách hỗn loạn mà phải sau này tôi mới có thể cảm nhận. Ở Lại Đây Với Con lại là một bài ca ấm áp về tình mẫu tử thiêng liêng "con không cần một người chồng hay một người vợ ngoan". Cuối cùng là Hoàng Hôn, một cuộc đàm thoại của người nghệ sĩ thời đó "em là hoàng hôn...". Đã có những ngày mấy tháng trước, tôi ngồi nghe chỉ một bài Hoàng Hôn suốt mấy tiếng trong một căn phòng trọ nhỏ bé với một mớ tàn thuốc bên cạnh. Thế mới thấy nhạc cũ của Chú ba với tôi nó ý nghĩa ra sao... Đương nhiên, giờ nhạc anh Đạt vẫn hay nhưng có lẻ tôi khó mà có được những cảm giác như từng có với những bài nhạc cũ.
Trân trọng Chú Ba - người nghệ sĩ đường phổ!