Tôi đã đi Huế ba lần trong đời, có lần đi vội vàng và không hề tính toán rằng tôi sẽ ăn gì chơi gì, có lần ít vội vàng hơn và cũng có lần tương đối kỹ càng. Có lần tôi đi khi mà còn một tuần nửa thì gió Lào sẽ thổi về, có lần thì mưa rã rích liên tục và cũng có lần mưa phùn mùa đông lạnh buốt. Hôm nay, tôi xin viết về lần gần đây nhất cũng là lần lưu trú dài nhất ở Huế. Một xứ Huế vào đông đẹp đến ngỡ ngàng.
Sau hai lần đến Huế đều vào đầu năm, tôi tự hỏi rằng sẽ ra sao nếu như thăm Huế vào những ngày đông cuối năm nhỉ? Kết quả là tôi đặt ngay một chuyến đi Huế vào đầu tháng Mười Hai năm nay. Trong một tháng trước đó, tôi đã rất lo lắng khi đọc được những mẫu tin về tình hình bão lũ ở Huế. May mắn sao mà mọi chuyện đã trở lại bình thường khi tôi bắt đầu chuyến đi. Tôi đến Huế bằng chuyến bay sáng sớm, do chọn đi vào ngày giữa tuần nên phi trường Tân Sơn Nhất khá vắng vẻ, tôi làm thủ tục nhanh chóng để bắt đầu chuyến bay. Lúc chiếc phi cơ dần hạ cánh trên bầu trời xứ Huế thì một số dự cảm không quá tốt đã đến khi mà những giọt mưa bám đầy hơn trên khung cửa sổ. Tôi đã từng đi Huế vào mùa mưa và tôi hiểu mưa miền trung là như thế nào. Là những cơn mưa buồn rã rích suốt đêm ngày và sẽ khó mà mong mưa tạnh đi được. Lần thứ ba trở lại Huế này thì tôi đã thật sự bất ngờ về phi trường Phú Bài. Mọi thứ được làm mới, đẹp và rất chỉnh chu. Qua ô cửa taxi tôi nhìn lại toàn cảnh phi trường, kiến trúc mái ngói thật sự đặc biệt và hợp với phong cách và văn hóa xứ cố đô. Trên chuyến taxi đó thì những hình ảnh xứ Huế dần hiện ra trong màn mưa, đó là những dòng người mặt áo mưa chạy đi trên đường, những hàng quán nóng hổi nào bún bò, nào xôi, nào bánh canh đang bốc khói. Như bao lần trước, tôi chọn Hue Sweethouse Homestay làm nơi lưu trú cho mình trong ba ngày ở Huế. Hue Sweethouse 2 tọa lạc trong một kiệt trên đường Nguyễn Công Trứ. Từ căn phòng của mình, chúng tôi có thể nhìn thấy những nốc nhà làm bằng mái ngối, những ngôi vườn nhỏ xinh cùng dòng sông Như Ý. Trong cái thời tiết mưa phùn lạnh giá kia, như bao lần trước, tôi đi bộ ra đường Nguyễn Công Trứ để tìm cho mình một tô bún bò nóng hổi ở quán Bà Tuyết. Quán Bà Tuyết là một quán ăn nhỏ vào những bàn ghế thấp và luôn đông khách. Tôi gọi cho mình một tô bún bò đầy đủ gồm bò tái, huyết, xương heo và hai viên chả cực kì to. Giữa trời đông lạnh giá mưa phùn mà húp một ngụm bún bò thì quả thật không chi sánh bằng. Sợi bún nhỏ đúng chuẩn Huế, chả cắn ngập răng và rất ngon ngọt, huyết dẻo cùng thịt bò tái mềm chín tới hòa quyện một cái tuyệt hảo trong khoang miệng tôi. Trong lúc ăn tôi cũng có phần lo nghĩ về chuyện thời tiết và mưa gió, tôi nghĩ rằng liệu có phải mình đã nên lùi lịch lại vài hôm chăng? Ngay lúc đó thì tôi thấy có mấy bạn đang cầm dù đứng trước hiên quán, cô chủ quán cười mà nói bằng giọng Huế rằng: "Mưa Huế cũng là đặc sản". Tôi tự nhiên sáng ra và nghĩ "Mình chọn đến Huế mùa này vì mình muốn biết về Huế những ngày mùa đông mà". Dù sau so với lần trước tôi ghé Huế thì mưa thế này cũng còn là nhẹ nhàng. Kết thúc bửa ăn bằng một ly sữa đậu nành, tôi trở về homestay để chuẩn bị cho chuyến đi lăng hôm nay.
Đúng chín giờ ba mươi phút, tôi lên xe để đi đến một địa điểm mà tôi đã luôn muốn đến từ bấy lâu nay, Thiên Thọ Lăng. Sở dĩ đến lần thứ ba tôi mới đi Thiên Thọ Lăng bởi vì nơi này khá xa xôi, do đó mà tôi đã chọn một phương án an toàn đó là thuê xe hơi đến đến thăm lăng Thế Tổ. Trong màn mưa phùn, những cảnh vật xứ Huế dần hiện ra trước mắt từ những khu phố trên đường Điện Biên Phủ đến Đàn Nam Giao, theo bờ sông Hương, qua cầu Tuần, thấp thoáng giáo đường Đá Hàn và cuối cùng là xuôi dòng Tả Trạch đến đến Thiên Thọ Lăng. Lăng hoàng đế Gia Long hiện ra trước mắt tôi là một con đường yên tĩnh và xa xăm được lát gạch xám. Sau khi mua vé, tôi cầm theo chiếc dù và bước từng bước men theo con đường gạch trên bờ sông. Khác với những lăng tẩm khác, Thiên Thọ Lăng không hề thu mình trong những bức tường. Thay vào đó mà một không gian mở đến vô cùng với những ngọn đồi và sông bao quanh. Nhìn theo dòng sông, tôi có thể thấy từng đàn trâu đang thong thả gặm cỏ dưới cơn mưa mùa đông, trên lưng những chú trâu là những chú cò đang đậu, một hình ảnh thanh bình đến lạ lùng. Đứng trước những bậc thang ở Điện Minh Thành, một cảm xúc khó tả đang lên trong tôi, cuối cùng tôi cũng đã đến được nơi yên nghỉ của Thế Tổ Cao Hoàng Đế. Khi bước từng bước lên thềm đá thì sâu trong Điện Minh Thành, một chú chó đen vừa sủa vừa hùng dũng tiến ra nhìn xuống tôi từ trên cao như một vị hộ vệ. Sau một hồi "giao tiếp" bằng ánh nhìn thì tôi cũng được chú chó cho phép vào điện. Khi tôi bước đến trước cửa điện vào quay lại nhìn thì chú chó vẫn đứng hùng dũng và đưa ánh nhìn soi xét như thể xem còn ai đó ẩn nấp bên ngoài hay không. Trong lăng có một anh bảo vệ lớn tuổi, anh dắt tôi vào trong điện và chỉ tôi cách thấp nhang cho Thế Tổ. Anh thực hiện mọi thứ khá kính cẩn từ việc thấp lửa trong các ngọn đèn đến cho thắp những cây nhang. Anh đưa cho tôi nhang và nói rằng đốt đủ năm cây cho năm chiếc bát hương. Đứng trước án thờ của Thế Tổ, tôi cũng khấn vài dòng đại loại là tôi là người từ xứ Nam Kỳ, là người đồng hương với Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu, nay vì lòng thành kính tiền nhân mà đến đây viếng thăm đức Thái Tổ Cao Hoàng Đế. Sau khi hương khói xong, tôi di chuyển tiếp qua khi mộ của Thế Tổ Hoàng Đế và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu. Bên kia sông từng tiếng mõ trâu vẫn vang lên. Đứng trước lăng, tôi cũng khấn vài câu và khá tiếc là không có bật lửa để thắp nhanh cho hai vị tiền nhân. Khi bước trở ra, tôi nhìn lại toàn cảnh Thiên Thọ Lăng một lần nửa, cả một vùng trời mênh mông cùng những ngọn đồi xanh ngát và tiếng mõ trâu giữa cơn mưa phùn mùa đông. Sau khi rời Thiên Thọ Lăng, tôi tiếp tục di chuyển sang Hiếu Lăng, khu lăng tẩm tôi đã có dịp đến thăm vào lần đầu tiên đến Huế. So với lần trước thì giờ đây lăng đã khang trang hơn, có thêm một vài quầy bán nước và có rất nhiều khách du lịch ngoại quốc tham quan. Khi vừa đến lăng, tôi mua cho mình một ly cà phê sữa đá. Cà phê rất đặc, đậm đà vào ngon lành. Nếu chọn uống cà phê nóng thì cà phê sẽ được đựng trong ly giấy rất xinh xắn. Hiếu Lăng thì vẫn đẹp như lần đầu tôi đến thăm với kiến trúc theo đường thẳng, trên đường thẳng đó sẽ là các kiến trúc lầu gác cùng những chậu cây cảnh rất đẹp. Trong lăng thì được trưng bày các hiện vật như văn án, sách phong, Đại Nam Nhất Thống Đồ... Đặc biệt là có một mô đá được xếp thành hình ông lân đang ngồi, điều lần nào thăm Hiếu Lăng tôi cũng phải ngắm nhìn một hồi lâu và thầm tỏ lòng cảm phục tiền nhân. Kết thúc chuyến thăm lăng, xe chở chúng tôi trở lại Hue Sweethouse 2 để nhận phòng và chuẩn bị ăn trưa.
Huế lúc này vẫn mưa phùn, loại mưa không quá nặng hạt nhưng dai dẳng và lạnh lẽo vô cùng. Trong cái lạnh lẽo đó, tôi phóng xe lên cầu Phú Xuân và băng băng trên con đường Kim Long bên dòng Hương Giang. Ăn trưa ở Huế thì không thể nào bỏ qua được quán bèo nậm lọc của O Lé, tôi đã từng viết một bài ở đây. Lần này trở lại mọi thứ vẫn như xưa. Vẫn là khu vườn thanh bình nơi làng Kim Long, đôi ba cái bàn bên ao sen và hai ly trà gừng. Bánh bèo nậm lọc, ram ít O Lé làm vẫn ngon như trước giờ. Nhỏ nhắn, vừa ăn, đặc biệt là bánh bèo chiên và bánh ram ít rất giòn. Tất cả đều được phục vụ nóng, giữa trưa mưa mà được ngồi ăn bánh ở trong một khu vườn xứ Huế thì không còn gì bằng. Sau khi rời kiệt 104, tôi tiếp tục xuôi đường Kim Long để đến một quán ăn gần chùa Thiên Mụ tên là Quán Nhậu Bờ Kè. Lúc đó trời cũng tối dần, bụng vẫn còn đói nên tôi chọn luôn hai món là chả cá lác um măng và cá chình nướng nghệ. Món cá lác thì cay the, rẻ và rất nhiều, ăn rất hợp trong cái tiết trời mùa đông này. Kế đến là món đặc sản của quán, cá chình nướng nghệ. Món này thì ngon xuất sắc! Cá chình dẻo dai, da cá giòn, ăn vào thơm ngon cực kì. Sau khi rời quán, tôi có ghé cổng chùa mua một ly tàu hủ vì đã hứa với chị chủ quán cũng như là giữ đúng truyền thống "Ra Huế, ghé chùa Thiên Mụ, ăn tàu hủ". Sau khi về nhà nghỉ ngơi một tí thì tôi lại tiếp tục choàng lên người chiếc áo khoác mà phóng ra phố đêm Huế. Lần này tôi chọn đi một vòng hoàng thành bắt đầu từ cửa Thượng Tứ và ra ở cửa Nhà Đồ. Sau khi đánh hết một vòng thì tôi cũng sẵn tiện chạy ngang nhà thờ chánh tòa Phủ Cam và nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế để nhìn hai thánh đường trong đêm. Để rồi sau đó quay ngược lại đường Lê Duẩn để ăn hai ly chè heo quay, hơi buồn khi mà chổ tôi thường ăn giờ đã dời đi nơi nào đó trong lúc thi công một số công trình ở công viên Thương Bạc. Sau khi lượn thêm vài vòng thì tôi trở về quán quen ở đập đá để ăn một món ăn trứ danh khác của xứ Huế, cháo bò. Trời mùa đông mà húp một tô cháo bò quả thật chẳng có cái thú nào sánh bằng, cháo bò vàng ươm, có đậu xanh thơm ngọt. Tôi gọi cháo đuôi bò, phần đuôi khá dẻo và ngon. Đúng là phải nhắc lại rằng trong mùa đông xứ Huế vào giữa những đêm mưa phùn nhẹ thế này thì chẳng có cái thú nào hơn húp một tô cháo bò kèm một lon bia lạnh!
Sau một ngày mưa lạnh giá thì mặt trời bình mình của ló dạng trên đất kinh kỳ. Hơn sáu giờ sáng, tôi kéo rèm cửa vào đón từng tia nắng ấm của ngày mới đến sau một ngày mưa đầy giá lạnh. Hôm thứ hai của tôi ở Huế dự định sẽ là một ngày khá bận rộn khi tôi sẽ chạy xe đến những vùng ngoại thành của xứ Huế. Để bắt đầu ngày mới, tôi lựa chọn ăn sáng ở một hàng bún bò nằm ở trước cổng phủ Gia Hưng Vương. Nhưng tiếc thay là quán bún bò đó đã đóng cửa. Nhưng tôi không mang trong lòng sự thất vọng quá lâu, tôi quyết định xuôi theo đường Nguyễn Chí Thanh để đi về hướng chợ Mai Phú Thượng. Qua cầu chợ Dinh, tôi tìm đến một hàng bánh mì tên là Lò Mì Chợ Mai. Ở đây từng ổ bánh mì nho nhỏ đường dồn nhiều loại nhân cùng nước sốt đang được nướng trên bếp than. Tôi liền mua cho mình một ổ và tấp vào một hàng cà phê sáng để thưởng thức buổi sáng "cơ bản" của mọi người dân Việt Nam. Bánh mì chợ Mai được nướng giòn rụm, nước sốt ngon kèm phần nhân vừa đủ được dồn một cách đầm thắm bên trong chiếc bánh mì nhỏ tạo nên một sự hòa quyện tuyệt hảo. Kết hợp thêm từng hớp cà phê sữa đá buổi sáng thì chẳng còn gì để bàn. Ăn nhẹ xong xuôi, tôi chạy ngược về hướng Quốc Lộ 49 để đi đến làng Chuồn. Làng Chuồn hiện lên trong tôi là những thôn xóm của miền biển với những ngôi nhà nhỏ xinh cùng những hàng cây xứ biển chạy quanh. Xuôi theo những xóm làng thì tôi cũng tìm đến được chợ làng Chuồn. Đến làng Chuồn là phải ăn thử bánh khoái, sau khi đi một vòng chợ, tôi ghé vào hàng bánh khoái của O Thỏa. Ở đây tôi gọi đủ các loại từ cá kình, cá dìa cho đến tôm và mực. Bánh mới chiên vỏ giòn rụm, kết hợp thêm phần cá chính mềm vào béo, đặc biệt cá rất tươi. Cái mềm và cái giòn kết hợp trong nước mắm mặn tạo nên một món ăn đặc biệt mà có lẻ tôi sẽ thử lại nếu như có ghé lại làng Chuồn. Sau khi ăn xong tôi đi lấy xe ở bãi giữ xe trước chợ, giá giữ xe là hai ngàn đồng, anh giữ xe rất dễ thương và thân thiện. Trên chiếc xe máy, tôi chạy dọc theo các bờ đê để ngắm cảnh đầm Chuồn. Đó là một vùng đầm nước mênh mông với những chiếc lưới và ghe xuồng. Một trong những điểm tôi ấn tượng ở đầm chuồn đó chính là việc hầu như tất cả các chiếc xuồng máy đều có phần động cơ được che chắn bằng một chiếc két bia Huda màu đỏ. Thú thật nếu tôi được góp ý gì cho hãng bia Huda tôi xin gợi ý rằng Huda hãy thử làm một chiến dịch quảng cáo dành riêng cho làng Chuồn. Sản phẩn là những két bia Huda theo kiểu "Làng chuồn edition" với những chữ Huda được để ngược lại. Vì theo cách đó thì lúc người ngư dân dùng két bia để che máy nổ chử Huda sẽ được đặt xuôi trở lại chứ không ngược như hiện tại. Trong lúc xuôi theo những con đường ở làng Chuồn thì ngoài nhà cửa, cây cối, tôi cũng thấy khá nhiều nghĩa trang từ Phật Giáo đến Công Giáo như một sự minh chứng cho việc ngôi làng bé nhỏ này đã là nơi gắn bó của không biết bao nhiêu lớp người nơi vùng đầm phá này. Ra khỏi làng Chuồn, tôi theo đường Đê Tây Phá Đông và qua cầu Diên Trường để đến bãi biển Thuận An. Lúc tôi đến chỉ gần mười giờ sáng, bãi biển gần như không có ai nên tôi đậu xe máy ở ngay trước bãi cát. Cảm giác một mình giữa biển vắng, tận hưởng tiếng sóng cùng hơi mặn của gió biển là một trải nghiệm khá thú vị và hiếm có. Bờ biển thì gần như là một màu xanh vô tận với không có dù là một bóng thuyền, những hàng quán trên bờ cũng im ắng trong cơn ngấy ngủ. Đặc biệt có một quán ăn mà trước sân quán là cả một gia đình chó gồm ba thành viên đang nằm dài tận hưởng cái không khí trong trẻo của đất trời. Khi tôi bước qua, chú chó cha cũng chỉ vểnh tai lên nghe ngóng chứ chẳng buồn sủa. Đến gần mười một giờ, tôi tấp vào quán quen để ăn trưa khi nhận ra chủ quán đã xuất hiện. Giữa một dãy hàng quán, tôi chọn quán Long Linh như lần trước đã chọn khi đến đây. Giữa một buổi trưa thứ sáu thì có thể nói tôi đã độc chiếm cả quán hay thậm chí là cả dãy nhà hàng ven biển. Chủ quán là một bác lớn tuổi có giọng nói nhỏ nhẹ và trầm ấm. Tôi định ăn tôm tít nhưng hôm đó không có, thế là tôi gọn một đĩa tôm thẻ hấp, sò lụa xào tỏi và mực nướng mọi, đương nhiên không thể thiếu ba lon Huda lạnh. Từng món lần lượt được đem ra. Món sò lụa xào tỏi phải nói là tuyệt luân với nước xào tỏi cực kì ngon, tôm thẻ hấp to và chắc thịt. Riêng mực nướng thì to và đều là mực trứng, cắn một miếng có cả thịt mực và trứng mực hòa cùng nước sốt thì chẳng còn gì bằng. Ngoài ra, tôi còn có dịp được mua một món ăn mà tôi nghĩ ai cũng nên thử khi đến biển Thuận An. Đó là bánh bột lọc. Nhưng chiếc bánh bột lọc trong veo, nóng hổi đựng trong những chiếc thúng của các mệ, các chị sẽ không bao giờ làm những du khách thất vọng. Sau khi no nê rồi, tôi tạm biệt bãi biển Thuận An để xuôi xe về thành phố Huế.
Sau vài giờ nghỉ ngơi thì tôi bắt đầu hành trình buổi chiều của mình. Nếu như lúc sáng tôi đã đi lên hướng bắc để tìm ra biển thì buổi chiều tôi chọn xuôi về phương nam để leo đồi. Địa điểm tôi thăm thú chiều nay là Khiêm Lăng. Sau khi đi dọc theo từng con đồi lên xuống thì cuối cùng Khiêm Lăng cũng hiện ra trước mắt. Hôm tôi đi có một trường học tổ chức dã ngoại nên khá đông các em thiếu nhi tham gia, theo đó có cả rất nhiều đoàn khách ngoại quốc từ Âu Châu cho đến Hồng Kông, Đại Hàn ghé thăm. Nếu các công trình của Hiếu Lăng được đặt trên một đường thẳng thì Khiêm Lăng lại được dàn trãi đều xung quanh hồ Lưu Khiêm với điểm nhấn là hai bến nước cùng đảo nổi giữa hồ. Nếu như Hiếu Lăng thể hiện sự hùng tâm của một bật đại đế, Thiên Thọ Lăng mô tả nơi chốn an yên cuối cùng của bậc khai quốc anh hùng thì Khiêm Lăng thể hiện sự lãng mạn nơi bậc vương đế. Tất cả công trình cũng như kiến trúc đều toán lên vẻ lãng mạn cũng như nhẹ nhàng xưa cũ. Trong ánh nắng chiều, vẻ đẹp trầm mặc cũng như đầm thắm của Khiêm Lăng như được tôn vinh lên gấp bội phần. Tạm biệt Khiêm Lăng, tôi xuôi xe về thành phố để ghé thăm nhà thờ chánh tòa Phủ Cam. Hôm tôi đến thì mọi người đang trang trí Giáng Sinh. Thánh đường Phủ Cam nổi bật bởi kiến trúc cổ điểm gồm hai tháp cao hai bên, tất cả đều được lát đá để tôn thêm phần cổ kính. Bên trong nhà thờ là từng dãy cửa sổ cao được thiết kế theo dạng mái vòm cùng những lăng kính màu. Hôm tôi vào nhà thờ là buổi chiều, ánh nắng chiều tà hắc vào từng ô cửa làm không gian bên trong càng trở nên dịu dàng, hiền hòa. Bên hông nhà thờ là núi Đức Mẹ cùng một khu vực cầu nguyện trước tượng Chúa Giêsu. Dọc theo con đường vào nhà cha là các bức tượng của những vị tử đạo xứ Huế, trong đó có đầy đủ mọi thành phần giáo dân từ những vị quan cấp cao cho đến cai đội và cả những linh mục cùng người dân bình thường. Tạm biệt không gian trang nghiêm của nhà thờ chánh tòa Phủ Cam, tôi lại một lần nửa xuôi theo dòng Hương Giang để đi về phía bắc thành phố. Địa điểm tôi đi đến là cồn Hến. Sau khi qua cầu Phú Lưu, cồn Hến hiện lên trong mắt trong là một vùng yên bình với những ngôi nhà san sát và những con đường nhỏ hẹp. Men theo đường Ưng Bình tôi tìm đến quán cơm hến Hoa Đông trứ danh. Quán cơm hến khá nhỏ với những chiếc bàn thấp kèm những bài thơ ghi trên các bảng hiệu, trong đó nổi bật là bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ nổi tiếng của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Có thể nói rằng không phải tự nhiên mà cơm hến trở thành đặc sản cũng như là một trong như món ăn đại diện cho xứ Huế. Nguyên liệu làm nên món cơm này không có gì đặc biệt, hến luộc, da heo chiên giòn, đậu phộng và rau. Tất cả được trộn trong một phần cơm nguội, chan lên đó là phần nước luộc hến nóng hổi. Với cái giòn của da heo, béo bùi của đậu phộng, dẻo thơm của hến luộc và thanh mát của rau trộn, tất cả những thứ trên hòa trộn với nhau tạo thành một món ăn tinh tế mà mộc mạc vô cùng. Khi tôi ăn xong phần cơm hến thì trời cũng đã tối hẳn, tôi tạm biệt cồn Hến bé xinh để trở lại Hue Sweethouse, nghỉ ngơi và chuẩn bị cho một buổi dạo chơi đêm trên đường phố Huế.
Sau khi nghỉ ngơi, buổi đi chơi đêm của tôi bắt đầu bằng việc đi xuyên qua phố đi bộ Võ Thị Sáu của Huế. Tôi đi từ đầu đường đến cuối đường, phố đi bộ rộng rãi, thông thoáng, có nhiều nhà hàng từ Âu Châu, Nhật Bản cho đến rất Huế, đương nhiên không thiếu những quán nhậu ồn ả nơi mà mọi người tìm đến để giải tỏa mọi lo âu trong cuộc sống. Sau khi ra khỏi phố đi bộ, tôi đi theo đường Bến Nghé để ghé The Chàm Craft Beer and Whisky, một nhà hàng khá dễ thương đối diện Senna Hotel. Quán có nhiều loại bia và bật nhạc cực kì dễ thương, những ca khúc mà tôi chỉ có thể nói là không thể hợp hơn với không gian và tiết trời. Làm cho cảm giác ngồi ở lề đường trước cửa The Chàm vào một đêm đông là một trải nghiệm thú vị. Khung cảnh khách sạn Senna có phần cổ điển Âu Châu, kèm theo từng dãy xe hơi đậu trên con đường sạch sẽ cùng với ly rượu và nền nhạc ngoại quốc làm tôi cảm thấy như mình đang ở một đô thị Châu Âu. Nhưng trong cái ngoại quốc thì cũng có những chiếc xích lô, những xe bắp xào kèm những chiếc áo dài đi trên đường mang lại một nét Việt Nam cân bằng cho toàn bộ không gian. Sau khi hít thở tí hơi men cho đêm đông, tôi quyết định ghé vào một quán bia gần homestay để chốt sổ cho đêm thứ hai ở Huế. Trên hành trình đó, tôi vẫn đi qua toàn bộ phố đi bộ Võ Thị Sáu. Lúc này thì con phố đi bộ đã tương đối nhộn nhịp, đặc biệt là nút giao với đường Nguyễn Thái Học. Nổi bật trong nút giao đó là quán Tà Vẹt nơi có vẻ như các nhân viên sẽ phải hoạt động hết công suất để phục vụ số lượng khách hàng khổng lồ. Rời khỏi phố đi bộ, tôi ghé vào 75Dope, một quán bar thú vị ở ngay đầu kiệt 33 Nguyễn Công Trứ. Nếu bạn là một tín đồ của dòng nhạc rap Việt Nam từ những ngày đầu, tôi gợi ý bạn nên đến đây để có thể check in với "Bức tường Viet Rap", nơi có hình ảnh của hầu hết các rapper nổi tiếng từ những thế hệ đầu của nhạc rap Việt Nam. Ngoài hình ảnh thì 75Dope cũng có phần nhạc khá đỉnh khi sử dụng các con beat theo kiểu West Coast hoặc Dr Dre. Về phần nước thì quán phục vụ khá nhiều loại cocktail truyền thống cùng các loại đặc biệt như Hue Homeboy hoặc Hue Homegirl. Khi đến 75Dope, tôi chọn cho mình hai chai Huda cùng một ổ bánh mì heo quay đến từ xe bánh mì của quán. Nói thêm rằng đây là một xe bánh mì khá đắt khách khi mà khi nhâm nhi hai chai Huda thì tôi đếm được có gần mười lượt khách đã tấp xe vào để mua bánh mì. Ngoài ra không chỉ có nhạc và đồ uống, những ai thích bida cũng có thể cân nhắc 75Dope làm điểm đến cho một đêm xập xình nơi xứ thần kinh. Uống xong bia, ăn xong bánh mì, tôi bước theo con kiệt để kết thúc ngày thứ hai của mình tại Huế. Vậy là chỉ còn nửa ngày nửa để tôi có thể thăm thú thêm vài nơi trước khi trở lại Sài Gòn.
Ngày thứ ba của tôi bắt đầu bằng những việt mưa nơi cửa sổ. Tôi đã có một tí lo lắng nhưng may mắn rằng không có cơn mưa nào kéo đến. Hôm nay dự định của tôi vẫn sẽ là xuôi theo dòng Hương Giang, nhưng thay về đi về phía bắc thì tôi sẽ đi xuống nam đến đến vùng Hương Hồ. Để chuẩn bị bụng dạ cho chuyến đi, tôi chọn cho mình buổi sáng là xôi thịt hon ở đường Phạm Hồng Thái. Xôi hạt nhỏ, đĩa cũng nhỏ nhưng lại có võ đến không ngờ. Bởi vì xôi ăn no và chắc bụng, thịt hon mềm, nước thịt thơm và đậm đà mùi đậu phộng, giềng và vàng ươm màu nghệ. Giữa cái thời tiết đầu đông lạnh lẽo mà được ăn một phần xôi kèm nước thịt nóng thì chẳng gì bằng được. Ăn xong thì tôi lại qua cầu Phú Xuân và cứ thế băng băng theo dòng sông Hương. Trên đường đi tôi có đi ngang chùa Thiên Mụ lúc này vẫn còn sớm nên có vẫn chưa thấy những gánh tàu hủ bên sông. Sau khi qua khỏi chùa, tôi tiếp tục chạy trên đường Văn Thánh. Qua khỏi cầu Long Hồ một đoạn tôi bắt đầu rẻ vào đường Long Hồ, dọc đường đi từng ngọn núi và quả đồi xanh mướt dần hiện ra nhiều hơn. Nơi tôi đến sáng nay là một quán trà nằm ẩn sâu trong một thôn xóm gần chợ Đình. Quán nằm giữa những cây bưởi thơm ngát, đặc sản vùng Hương Hồ. Quán tên là Thôi! Uống Trà, một cái tên rất dễ thương và cũng rất ấn tượng. Không gian quán là những tiểu cảnh cũng như bàn ghế đặt xung quanh một khoảng sân có miếu thờ và bình phong theo phong cách Huế. Sâu bên trong là một bếp lửa đang cháy âm ĩ. Tất cả không gian của quán đều được đặt để theo tinh thần Phật Giáo với việc đề cao sự an yên, tĩnh lặng. Anh chị chủ quán rất dễ mến và hiếu khách. Tôi gọi cho mình một ấm trà bưởi sặc sản của vùng Hương Hồ. Trà thơm ngát vị bưởi và có vị đậm và đắng. Sau vài lần châm nước, tôi cáo biệt anh chị chủ quán để rời không gian tĩnh lặng kia trở về với thành phố Huế. Dọc đường tôi định ăn bún thịt nướng ở Kim Long nhưng không hiểu sao lại thôi. Thay vào đó tôi tiếp tục men theo dòng sông để đến đường Bạch Đằng với hy vọng quán bún bò ở phủ Gia Hưng Vương sẽ mở cửa. Nhưng cánh cổng nơi phủ Gia Hưng Vương vẫn vắng vẻ im ắng. Dù rằng đã làm một ấm trà, nhưng tôi vẫn thấy thèm mùi hương cà phê nên tôi quyết định rẻ vào cà phê Đỗ Ngọc Quý ở góc đường Bạch Đằng và Diệu Đế. Tôi chọn cho mình một ly cà phê sữa, nhâm nhi từng chúng mà ngắm nhìn những con phố bên phía đường Huỳnh Thúc Kháng. Sau khi cà phê xong xuôi, có lẻ vì cà phê mà thiếu bánh mì thì sẽ không tốt. Nên tôi lại xuôi theo đường Nguyễn Chí Thanh, qua cầu chợ Dinh và ghé lò bánh mì Chợ Mai. Lần này, tôi làm hẳn hai ổ cho chắc bụng. Đến trưa tôi dọn dẹp mọi thứ để ra phi trường Phú Bài. Một lần nửa nhìn lại toàn cảnh phi trường thì đúng là sau gần hai năm, phi trường xứ Huế đã có những bước chuyển mình đáng kể. Tất cả khuôn viên được xây cất sạch sẽ và đẹp đẽ hơn hẳn lần trước. Sau một hồi chờ đợt thì tôi bước từng bước vào phi cơ để chuẩn bị tạm biệt Huế. Khoảng hai giờ chiều, phi cơ của hãng Vietnam Airlines cất cánh, để lại những hành ảnh nơi xứ cố đô dần chìm trong màn mây trời trắng xóa.
Dù đã là lần thứ ba viếng thăm xứ Huế, nhưng có lẻ tôi vẫn chưa thấy chán nơi này. Huế là một thành phố tuyệt vời, một nơi có quá nhiều điều để yêu, để nhớ từ những con người hiếu khách, những món ăn ngon, phong cảnh hữu tình và một nền văn hóa sâu sắc. Đặc biệt là sự chuyển mình trong du lịch những năm gần đây. Ngoài những sân bay, hệ thống bán vé hiện đại thì Huế không hề lãng quên đi những thứ làm nên chính mình, đó là cái văn hóa từ những di tích cho đến con người, cảnh vật. Điều mà rất nhiều nơi khác đã đánh mất một cách đáng tiếc trong cơn bão kim tiền hiện tại. Tạm biệt Huế và sẽ còn ghé lại nhiều lần nửa trong tương lai.
Địa chỉ một số nơi tôi đã ghé qua trong chuyến đi này:
17 kiet 33 Nguyễn Công Trứ, Phú Hội
47 Nguyễn Công Trứ
Kiệt 104, 17/9 Kim Long
Vừa qua khúc cua ở Chùa Thiên Mụ
5 Nguyễn Công Trứ, Phú Hội
tổ 1 đội 9, Phú Thượng, Phú Vang
Chợ làng Chuồn, Phú An, Phú Vang
Bãi biển Thuận An
64/7 Ưng Bình, Vỹ Dạ
56 Nguyễn Tri Phương, Phú Hội
35 Nguyễn Công Trứ, Phú Hội
10 Phạm Hồng Thái, Vĩnh Ninh
Góc đường Diệu Đế và Bạch Đằng, Phú Cát
Long Hồ, Thượng 1, Hương Trà
1 Nguyễn Thái Học, Phú Hội
142 Đặng Thái Thân, Thuận Hoà
118 Lê Ngô Cát, Thủy Xuân