Hôm nay xót ruột quá vì sáng ăn có tí canh gà và củ cải đỏ nên tôi viết bài viết nhảm nhí này. Đơn giản là một bài sơ lược về chuyện ăn trưa (có thể lan man qua ăn tối) trong suốt cái cuộc đời đi làm mướn của mình.
Công ty đầu tiên tôi đi làm thực tập ở khá xa nhà, tôi phải đạp xe từ Dương Bá Trạc lên tận BlueSky mỗi sáng để đi làm. Chuyện ăn uống ở đây thì không có gì đặc sắc lắm, trước cửa tòa nhà có hai ba quán cơm bụi để cho mấy tay nhân viên và cánh tài xế ghé vào ăn. Đâu đó xung quanh tòa nhà có vài cái nhà hàng hoặc đại loại là quán xá sang hơn. Tôi hay nghe ông trưởng nhóm Java râu xờm hay gọi điện cho anh em với nội dung "Nói nó kêu cho anh sẵn tô canh chua cá nha, họp xong năm phút nửa anh xuống liền". Quay lại chuyện ăn trưa của tôi thì trong hai quán cơm bụi tôi hay ăn quán ít người hơn, vì tôi sợ đông đúc chờ lâu. Đến sau này, có một đứa cùng thực tập với tôi ngồi kế bên thì tôi mới hay đi ăn cùng nó và thằng bạn nó (đứa đã là nhân viên ở đây) ở cái quán đông hơn. Theo tôi thì hương vị hai quán đều cỡ cỡ như nhau, giá bình thường và ăn cũng được. Trong hai tháng đó, có đôi lần tôi thấy khá nản vì đứa thực tập kia được sếp khen và cho làm dự án, còn tôi thì ổng chỉ lắc đầu. Đi ăn nghe hai đứa nó nói về chuyện dự án cũng làm tôi khá nản. Sau hai tháng, tôi cũng rời công ty. Đương nhiên không phải là bị đuổi, vì tôi còn lịch thực tập thêm một hai tháng nửa. Mà vì lúc đó tôi hơn nản nên xin nghỉ sớm. Lan man qua tí chuyện ăn tối, trên đường về trong đoạn nhỏ nối Trần Văn Đang và Rạch Bùng Bình có một quán bán nem nướng luôn thơm mùi khói và đông người mua. Tôi luôn định bụng sẽ mua ăn khi có tiền, nhưng sau này khi tôi quay lại thì nó đã đóng cửa từ lâu. Ngoài ra, tôi hay ăn ở một quán trên đường Nguyễn Phúc Nguyên. Quán lề đường bán mỗi ngày một món, giá độ chừng ba mươi ngàn, hai tuần tôi mới dám ăn một lần. Phải nói là đồ nước họ bán ngon tuyệt luân. Nhưng tiếc là giờ quán cũng dẹp rồi.
Rời xa công ty đó, tôi bắt đầu công việc đầu tiên của mình ở một tòa nhà nhỏ gần cầu Công Lý. Đó là những năm cực khổ và đáng nhớ nhất trong cuộc đời đi làm của tôi. Bù lại tôi có được những thằng em và những người anh đáng trân quý nhất. Hồi đó, chúng tôi hay đi ăn trưa trong khu chợ ở đường Cao Thắng, tôi hay gọi vui là chợ Hồi Giáo vì có nhiều cư dân theo đạo Islam đi chợ này. Quán ăn chúng tôi hay ghé là một quán góc bắc của anh chị chủ quán giọng bắc rặc. Họ có hai món tuyệt luân là cơm gà nấm và bò nấm. Cơm họ phơi hơn khô, áp chảo nên có kết cấu giống cơm chiên nhưng tuyệt nhiên không có dầu. Gà nấm hoặc bò nấm được xào với nước sốt sánh mịn và đậm vị, nấm mềm nhưng không bị bở. Tất cả ăn cùng với hành phi. Thú thiệt đó là một trong những món cơm ngon nhất đời đi làm mướn của tôi. Ngoài ra thì bánh mì chảo cũng rất ngon. Quán còn làm các món như bún thang, bún bung cũng đỉnh không kém. Quán được trang điểm bằng mấy chiếc xe máy độ của anh chủ, lão đó cực dễ thương và bựa kiểu dân bắc, lão rất mê xe độ. Điểm trừ của quán chính là... quán quá đông. Có những hôm mà chúng tôi đi ăn chờ mòn mỏi đến gần hết giờ nghỉ. Nếu như bây giờ tôi đi làm mà chẳng hề cần ngủ trưa thì lúc đó giấc ngủ với tôi rất quan trọng vì công việc quá mức cực khổ và áp lực. Nên có thời gian tôi không đi ăn với công ty mà thay vào đó, tôi chọn một quán ăn khác. Đó là quán lề đường bán hủ tíu gõ. Tôi cũng rất mê quán này, quán thay vì bán hủ tíu thịt heo thì lại bán thịt gà. Tôi mê nhất là món hủ tíu mềm khô (sợi mềm như sợi phở nhưng to bản hơn). Hủ tíu mềm, thêm thịt gà công nghiệp cũng mềm (nhưng không bở), cho tương ớt vào trộn cùng hành phi ăn cực đã. Giá cũng rẻ chỉ khoảng mười lăm ngàn đồng. Tôi nhớ ông CEO lần nào ra quán này ăn cũng phải húp hai tô, một ướt một khô mới đủ. Chủ quán là một ông già miền nam và đứa cháu gái, hai người cực kì dễ thương. Quay lại quán cơm bắc, một thời gian sau thì quán đóng cửa. Anh chủ quán nói bán ở khu này chỉ bán được trưa, không bán được tối nên dời qua Phan Xích Long. Bọn tôi tiếc lắm, chị chủ có cho bọn tôi tấm card ghi địa chỉ quán mới mà cả đám làm mất. Đến mãi sau này trong một nỗ lực tìm kiếm tôi mới tìm được quán, sếp cũ tôi đến ăn nói không ngon như cũ nửa. Quán tôi thấy không đông như lúc còn bên chợ Hồi Giáo, làm tôi cũng hơi buồn. Mà giờ quán cũng lại đóng cửa lần nửa. Ngoài đi ăn ngoài ra thì có một thời gian, bọn tôi cũng đặt cơm thông qua một chị làm cùng. Cơm chổ đó khá ngon, tôi khá thích nhưng ít ăn vì giá đến ba mươi ngàn. Do vậy mà tôi hay mua đồ ăn lúc sáng ở Quận 8 rồi đem đến chổ làm ăn trưa luôn (thường là xôi gà gần cầu chử Y). Sau này, khi người chị đặt cơm kia nghỉ bọn tôi mới được sếp tiết lộ là giá phần cơm đó khoảng ba mươi lăm đến bốn mươi ngàn. Chị vì muốn có người ăn cùng và thấy mọi người vui khi ăn nên đã góp thêm tiền riêng để bù cho mọi người. Nếu có một điều tiếc nuối thì có lẻ phải nói đến bún riêu dì Sang nức tiếng. Thời đó, bọn tôi đi qua gánh bún của dì không biết bao nhiêu bận nhưng không hề ghé vào. Bởi vì quán đông, bọn tôi sợ mất giờ ngủ. Giờ dì cũng hóa ra người thiên cổ, nghĩ lại mà tiếc vô cùng. Lan man về buổi tối thì thời đó tôi có hai đường để về nhà, đó là men theo Võ Thị Sáu rồi vào Nguyễn Thượng Hiền xong theo Nguyễn Thị Minh Khai mà chạy ngang trường cũ trên đường Nguyễn Văn Cừ để về nhà. Hướng còn lại là dọc theo Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Trần Hưng Đạo. Tôi hay đi đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa vì tôi thích những ánh đèn phồn hoa nơi các đại lộ của Sài Gòn. Hồi đó ở góc Nam Kỳ Khởi Nghĩa với Nguyễn Du thì phải, có một nhà hàng Tây Ban Nha hoặc Mexico gì đó. Có một ông chú mặc đồ đấu bò hoặc là đồ Mexico đi qua đi lại trước quán. Tôi cứ ấn tượng mãi, mà giờ quán cũng dẹp rồi.
Sau khi rời Phú Nhuận, tôi chuyển sang làm việc ở khu chợ Thái Bình. Thời đó thì bọn tôi có hai sự lựa chọn cho việc ăn trưa là một quán cơm bụi ở đường Nam Quốc Cang và một quán khác cũng ở cùng đường đó nhưng ở đầu đường. Quán cơm bụi thì khá đông đúc nhưng thoáng mà vì quán rồi và nhiều cây. Đồ ăn thì bình thường. Lâu lâu ăn thịt kho, tôi hay xắt chuối bỏ vào ăn cùng cơm. Một anh trưởng nhóm (và sau này là sếp tôi ở một công ty khác), cười hề hề và nói: "Thằng này dân miền tây giống anh nè". Quán cơm còn lại bọn tôi hay gọi là quán cơm Soya. Bởi vì ngoài bán cơm trưa thì quán chủ yếu hoạt động như một quán bán sữa đậu nành, có cả máy móc là sữa mở cho mọi người xem. Cơm ở đây khá ngon nhưng chờ khá lâu dù quán chẳng đông, giá cũng hơn cơm bụi đôi chút, bù lại ai vào cũng được cho miễn phí một ly đậu nành ướp lạnh. Sau đó, công ty dời văn phòng qua ngã tư Võ Văn Tần và Cách Mạng Tháng Tám. Ở đây thì cái gì cũng mắc cả, những cái không mắc thì ăn lại quá chán. Đó là thời gian tôi quay về với việc mua xôi ở dốc cầu chử Y để đem đi làm. Đương nhiên cũng có một quán khá ổn nằm trong một hẻm ở Võ Văn Tần, nhưng quán khá đông và hay hết món. Tôi nhớ có một lần có một ông bạn bị bệnh nặng nhưng vẫn phải làm việc vì công việc lúc đó khá gấp. Tôi quyết định nhường phần cơm duy nhất cho ổng và mua cho ổng lon bò húc. Ổng hỏi bò húc bao nhiêu, tôi nói khỏi đi. Tôi nhớ rằng ổng cũng khá cảm động. Mà sẵn nói chuyện mắc mỏ thì gần công ty tôi có một quán cơm mà khá nhiều anh em "dính chưởng". Quán đó tên là cơm Bà Béo, quán bán cơm bụi, đồ ăn khá ổn nhưng giá cực chát. Cái thời của tôi mà một phần cơm bình thường có giá tận bốn mươi đến năm mươi ngàn, bây giờ nghe đâu đã lên đến bảy mươi đến một trăm chẳn. Tôi vẫn nhớ có lần có khách từ công ty mẹ bên Hoa Lục qua, một chị hỏi anh giám đốc tiếp thị rằng nên dắt họ đi đâu ăn trưa. Tôi nhớ anh giám đốc vuốt cằm ngẫm nghĩ một tí rồi nói rằng "dắt đi Bà Béo đi". Lúc đó, tôi đã nén không bật một tiếng cười ngặt nghẽo. Chị kia cũng tỏ ra bất ngờ nhưng rồi cũng như tôi, chị nhịn cười mà gật đầu. Còn anh giám đốc thì không có vẻ gì là mỉa mai hoặc nghiêm túc. Chỉ là một câu trả lời rất bình thường từ anh mà thôi, như kiểu có người hỏi thì anh suy nghĩ và trả lời.
Làm được một thời gian, tôi chuyển sang công ty khác cách đó vài bước chân ngay đường Nguyễn Thị Diệu. Đi làm ở đây thì tôi không lo chuyện ăn uống lắm. Sáng thì mọi người có thể đặt bánh mì hoặc xôi ở quán Tuấn Mập. Trưa thì có cơm khay hai mươi lăm ngàn. Thú thiệt là tôi ăn khá dính mấy cái cơm phần đó. Mấy phần ba rọi chiên mắm, cá cơm chiên bột hay chả cá sốt cà chổ đó làm tuyệt vời dẫu cho có mấy người bạn của tôi vẫn chê dỡ. Tôi nhớ giai đoạn đó tôi bắt đầu tăng ký khá nhanh. Những buổi cơm trưa đó gần như khớp một cách hoàn hảo cho hệ thống làm việc quên đêm, quên ngày của chúng tôi. Chỉ cần mười một giờ rưỡi gõ vài dòng chat, mười hai giờ cơm tới tận nơi, ngủ, một giờ ba mươi làm việc. Ba giờ sẽ có những đợt bánh tráng trộn, xí quách gà hoặc cơm cháy mỡ hành tiếp sức. Chúng tôi chỉ cần ngồi và nặng ra từng khối mã lệnh. Ngoài ra vì phải làm thêm giờ triền miên đúng chuẩn Nhật nên bọn tôi thường ăn tối ở công ty. Lúc này, tôi lãnh thêm một trọng trách là người anh nuôi ban đêm cho công ty. Những lần tôi xách xe đi và chạy xe về với những món đồ ăn như há cảo, bánh mì chả cá, cơm gà xối mỡ luôn được anh em tín nhiệm. Họ hay gọi tôi là "shipper nức tiếng". Đôi khi cũng hay phàn nàn việc tôi giấu nguồn của những món ăn tuyệt vời kia. Đến sau này vài người vẫn than phiền việc tôi hứa cho họ địa chỉ của quán cơm gà xối mỡ nhưng rồi tôi nghỉ việc mà im re. Đây là bài viết về quán cơm đó:
Còn há cảo thì là há cảo Cô Giang quá nức tiếng rồi. Do phải trải qua một khoảng thời gian làm việc không vui vẻ lắm nên kha khá anh em, trong đó có tôi bức xô nghỉ việc. Trong những tuần cuối, bọn tôi quyết định chơi lớn làm những cú chinh phạt thức ăn quanh khu này. Thế là từ bún riêu tận Cách Mạng Tháng Tám, đến bánh canh cua Võ Văn Tần, bò Lục Nguyên đến Hoàng Ty tụi tôi đều thử hết. Tính ra cũng bay không ít tiền nhưng đó là những kỷ niệm đáng nhớ.
Sau khi tạm biệt Quận 3, tôi chuyển sang vùng nắng gió khói bụi đúng nghĩa trên đường Điện Biên Phủ đoạn hai chiều. Đồ ăn ở đây thì thú thiệt là chán, chất lượng khá bình thường. Bọn tôi hay đi bộ từ toà nhà của mình, qua khỏi Đại Học Hồng Bàng để ăn cơm ở một hàng cơm bụi trước hẻm. Tôi nhớ năm đó làm với một tay help desk khá bựa. Lương hắn có vẻ thấp, ít tiền nhưng mê xe. Mua con moto mắc tiền xong phải chuyển luôn trọ vì sợ trầy xe. Hắn ăn rất nhiều cơm, một lần hắn chọn món tôi đều bật cười. Bình thường với hai mươi ngàn hoặc hai mươi lăm ngàn thì chúng tôi có được hai món. Hắn chỉ chỉ vào ba món và nói với ông già chủ quán "Cho con ba món này, xớt qua xớt lại sao đủ hai chục ngàn thì được nhen". Ông già cũng chơi luôn, ổng tính toán sao đó mà đĩa cơm hắn có đủ ba món mà giá vẫn là hai mươi ngàn, kèm rất nhiều cơm trắng và nước mắm. Nhắc về chổ làm này tôi hay nhớ về một quán cà phê nhỏ tên là Cà phê Sisters. Bọn tôi hay đùa là "cà phê mấy em" vì quán được điều hành bởi các bạn nữ. Đây là một trong những quán cà phê dễ thương nhất tôi từng biết. Quán được đặt để gọn gàn trong một cái buồng ATM. Trước quán có hai thùng điện, họ dán các sticker cực kỳ đẹp lên hai cái thùng đó. Họ làm trà sữa cực kỳ ngon, nhất là trà sữa Miến Điện. Ngoài ra họ cũng có bán một số loại thuốc lá tôi hay hút như Black Devil, FORTE... Tiếc là quán giờ cũng đã đóng cửa.
Sau thời gian bốn tháng ngắn ngủi nơi miền nắng gió Điện Biên Phủ, tôi chuyển sau Quận 11 làm việc ở The Flemington Tower. Thời gian đầu làm việc ở đây thì tôi không đi ăn trưa ở ngoài vì có một anh nhận trách nhiệm đặt cơm cho cả văn phòng. Cơm ở đó cũng khá ổn như bao chổ khác. Đôi khi bọn tôi cũng hay đi ăn ngoài ở mấy tiệm cơm bên đường Tuệ Tĩnh, nhìn chung cũng ổn. Chỉ có cơn ác mộng duy nhất là đi thang máy, quá đông đúc và mệt mỏi. Làm được một thời gian thì tôi lại dời tiếp qua bên Đại Học Bách Khoa để làm trong thời gian chờ văn phòng nâng cấp. Thú thiệt thì tôi không mê đồ ăn quanh trường lắm, dù vậy tôi vẫn hay ăn hủ tíu gõ trước cổng trường dù khá dở. Điểm sáng ở Bách Khoa đó là một quán cơm trong hẻm, đường đi đến quán được đánh dấu và chỉ dẫn từ tận đầu đường Lý Thường Kiệt. Quán cơm có rất nhiều món, chọn món theo tiêu chí cơm chiên hoặc cơm trắng cộng món ăn. Thấy quán ghi chủ quán là đầu bếp nhà hàng gì đó... Tôi thấy quy trình khá chuyên nghiệp, lịch sự và sạch sẽ. Đồ ăn cũng khá ngon. Quen được một thời gian thì chúng tôi về lại văn phòng, anh chàng đặt cơm thôi việc nên chúng tôi phải đi ăn ngoài. Tôi và anh em hay đi ăn ở một quán cơm trong hẻm, bán khá được. Quán tính tiền bằng cách nhìn màu đĩa, xanh là hai lăm, vàng là ba mươi. Thời đó, tôi và hai thằng bạn thân từ hồi cấp ba không hẹn mà lại làm chung tòa nhà. Thế là bọn tôi hẹn nhau đi ăn trưa. Thằng bạn tôi dắt tôi đi ăn, tôi men theo nó. Qua một dọc hàng quán từ sang chảnh cho đến bình dân, tôi bao lần ngỡ nó ghé vào nhưng nó đều bước tiếp. Để rồi cuối cùng nó ghé vào một hàng ăn lề đường đúng chất "gõ" cực kì đơn sơ. Người nấu là một bà ngoại đã lớn tuổi và người con trai có lẻ ngoài ba mươi, ốm và cắt đầu đinh làm hết các việc còn lại. Chúng tôi ăn hai tôi nui, khá ngon. Sau đó, bọn tôi vào căn tin của VNG và trò chuyện một lúc. Sau đợt đó, tôi cùng mấy anh em thân hay đi ăn cái quán kia. Ăn đến mức quen mặt với hai má con chủ quán. Quán bán mỗi ngày một món, từ nui, bánh canh chả cá, miến gà đến canh bún. Canh bún có thể xem là niềm tự hào của quán, bọn tôi có thể ăn gì cũng được nhưng thứ tư là buộc phải ghé quán để ăn canh bún. Hai má con chủ quán rất dễ thương, đặc biệt là người con, anh cực kì hiếu khách và chân thành. Nơi anh tôi luôn tìm được sự tích cực từ từng lời nói và tiếng cười. Có một lần sau Tết, bọn tôi ghé quán ăn và nghe má anh nói chuyện với một bác khác về anh. Bà nói: "Hồi Tết nó đâu có biết nhậu đâu. Mấy thằng quỷ trong xóm ép nó uống, uống riết nó về nó quậy, nó nói tầm bậy, tầm bạ", lúc này giọng bà có vẻ buồn, tôi nghĩ quậy ở đây chắc là anh đã nói những lời mà bà buồn thôi. Sau đó bà nói tiếp: "Tao cũng giận nó, đến sáng nó tỉnh rồi, nó cười hề hề, nó ôm tao rồi nó nói má ơi, con xin lỗi má, sau này con hổng uống rượu nửa, hôm qua con bậy quá, má đừng giận con nha má". Bọn tôi hay đùa là anh con có khả năng kinh bang tế thế không thua gì mấy tay quản lý tiệm ăn. Anh nhớ mặt từng người khách, biết bọn tôi thích ăn gì, ghét gì. Anh thuộc tất cả các yêu cầu gọi món, sắp xếp và đưa ra quyết định hoàn hảo. Ngoài hàng ăn này thì còn có một hàng ăn khác bọn tôi cũng ăn nhưng không ưa lắm, họ cho tôi thấy cái sự toan tính không tốt nơi việc kinh doanh. Quán rất đông, khi bán vì sợ khách bỏ đi nên thay vì ra món theo thứ tự yêu cầu, họ làm theo kiểu bất cứ nhóm nào ăn cũng sẽ có một người may mắn được ra món trước. Đơn giản đó như một kiểu bắt con tin, để giữ cả nhóm phải ngồi lại cùng nhau vì không thể bỏ bạn mình ở lại được.
Sau ba năm làm ở Quận 11, tôi quyết định nghỉ ngơi vài tháng để rồi chuyển sang công ty mới ở Nguyễn Văn Giai. Khi tôi mới làm được một tuần thì dịch Covid chạm đỉnh nên cả công ty quyết định làm việc từ xa. Sau khoảng thời gian đó tôi quay lại văn phòng làm việc, con đường này thú thiệt khá chán về quán ăn. Chỉ có mỗi hai quán cơm bụi. Nhưng bù lại cơm bụi cực đỉnh! Tôi mê hầu như mọi món ở quán cơm bụi này. Từ cá cơm chiên bột, ba rọi chiên nước mắm, cá mú kho, gà kho gừng đều cực ngon. Đỉnh nhất là mắm chưng, tôi dù giảm cân nhưng đều phải ăn lại khẩu phần cơm bình thường mỗi khi gặp món đó. Lần nào ăn cô chủ cũng nói "Thằng em này chỉ khi ăn mắm chưng là nó mới ăn nhiều cơm thôi đó ông". Chủ quán là hai vợ chồng, bác trai có vẻ béo ú dễ thương, bác gái thì rắn rỏi và luôn đội nón kết. Họ có hai đứa con đang tuổi đi học, đứa lớn là con trai và đứa nhỏ là con gái. Ngồi ăn ở đây không ít lần tôi nghe được những cú "khác biệt thế hệ" nãy lửa từ phía bác trai và thằng cu con lớn. Họ cứ cãi qua, cãi lại, thằng thằng cu thường tức tối, bực dọc, bất lực. Ông cha cũng chẳng khá hơn. Thường sau những lần như thế thì thằng cu hay phóng lên xe đạp chạy đi, ông cha thì hỏi "Mày đi đâu đó?". Cu con đáp "Con lên trường sớm". Thế nhưng hôm sau thì đâu lại vào đó. Có lẻ nhà họ đã thực hiện vài thủ thuật thú vị vào giờ ăn tối. Tôi từng định bụng sẽ viết một bài viết về quán cơm này. Tôi nghĩ rằng hình chụp minh họa sẽ là chín tấm hình nhỏ của chín món ăn. Nhưng khi tôi chụp đến món thứ sáu thì quán đã không còn. Tôi còn nhớ rất rõ ngày cuối cùng, tôi đang ăn thì nghe loáng thoáng rằng "mai nghỉ bán rồi mà cũng còn siêng dữ ta". Tôi đinh ninh rằng họ nói nghỉ bán ở đây là nghỉ bán tạm để đi du lịch hoặc thăm bà con. Thế mà họ nghỉ cái rụp, lòng tôi cũng hụt hẫng theo. Sau hôm đó, tôi chuyển sang ăn quán cơm còn lại. Quán này cũng dễ thương nhưng không bằng được quá kia. Làm được một thời gian tôi chuyển sang làm bên khu Phạm Viết Chánh. Tôi khá mê khu này, đối với tôi cùng với Thảo Điền thì đây là cái khu tôi mê nhất trong việc la cà cuối tuần.
Sau khi rời công việc này để đến với công việc hiện tại thì tôi bắt đầu những ngày ăn trưa thú vị nhất trong cuộc đời đi làm, tôi đem cơm theo. Thật ra tôi đã đem cơm theo từ thời Phạm Viết Chánh rồi, nhưng đây mới là công việc đầu tiên tôi làm cơm trưa toàn thời gian. Nấu cơm là một việc làm thú vị mà tôi luôn mong ngóng được thực hiện. Mỗi khi chạy xe về nhà thì trong đầu tôi luôn chạy một chương trình tự động về chuyện sẽ nấu gì tối nay, bò, heo, tôm cá hay gà. Những câu hỏi dần hiện lên về việc hôm qua ăn gì để tránh lặp lại, ông bán gà quen không biết còn hàng không, lỡ ổng hết hàng thì mình mua gì để thay thế, rau củ nào sẽ được dùng hôm nay, tủ lạnh còn gì không? Rồi kế đến là tính toán thời gian đi chợ phù hợp, nếu vợ về trễ thì sẽ có quỹ thời gian dài để nấu những món cần thời gian hoặc có thời gian để chạy qua Quận 2 đi siêu thị hoặc qua Quận 1 mua chả cá... Đồng thời ngoài buổi tối thì tôi cũng phải suy nghĩ cho trưa mai sẽ đem gì đi làm, làm gì cho gọn vào buổi sáng. Thịt gà thì sẽ lọc xương một phần, cắt và ướp sẵn. Phần gà xương thì để nấu canh cho buổi tối và buổi sáng. Bò thì cũng ướp để sáng xào, thịt heo cốt lết có thể ướp sẵn để sáng chiên lên. Tôm thì tách đầu ra để nấu canh, một phần sẽ được cho vào canh, phần còn lại thì để sáng xào với nấm hoặc rau đem đi ăn trưa. Cứ thế mà tôi lặp đi lặp lại mỗi ngày. Đến ngày hôm sau tôi sẽ thức dậy lúc năm giờ sáng để hâm lại canh hôm qua, nấu cơm, pha cà phê và làm món mặn. Do vợ đi làm sớm nên canh và cơm sáng phải xong trước năm giờ năm mươi. Sáu giờ hai mươi là cơm hộp và cà phê phải được để trong túi ăn. Cứ thế mà mỗi ngày đi làm của tôi là một ngày tôi háo hức được ăn đồ ăn mà mình làm ban sáng. Tôi không chọn việc ăn trưa ở văn phòng vì ngộp và cũng không có cuộc trò chuyện nào hay ho bên bàn ăn. Thay vào đó, tôi hay đi bộ ra bờ sông gần công ty, ngồi dưới một tán cây, vừa ăn vừa nghe mấy con chim ríu rít.
Nhìn lại thì các công cuộc đi kiếm cơm của tôi cũng có nhiều cái hay ho để nhớ về, nhất là những buổi cơm trưa. Mỗi lần chuyển đến một chổ làm mới, ăn trưa ở một khu mới tôi lại có được nhiều cái hay ho ở Sài Gòn. Có thể là những quán cơm bụi mắc đến khủng khiếp ở Quận 3 hay là những mánh lới, láo cá của quán cơm Quận 11. Nhưng cũng có những con người thú vị như ông chủ người bắc tếu táo bên chợ Hồi Giáo, ông già miền tây xào trộn ra đĩa cơm ba món hai chục ngàn, hai má con thiệt dễ thương ở hẻm Tuệ Tĩnh, những màn tranh cãi thế hệ giữa hai cha con chủ tiệm cơm bụi, sự siêng năng và cần cù của hai bạn gái trẻ chủ quán Cà phê Sisters hoặc một xe hủ tíu gõ duy nhất nằm giữa những quán bar ở khu Phạm Viết Chánh... Nhìn chung tất cả đó vẫn là những nét thú vị, hay ho của Sài Gòn.